Ở nhà theo chỉ thị 16, người miền Nam nấu cơm tấm, làm bánh xèo trong khi người Bắc nấu phở, trang trí bắt mắt như ngoài hàng.
Món cơm tấm "sà bì chưởng" của người Sài Gòn trong những ngày giãn cách xã hội. Đĩa cơm nhà làm được bày trí gọn mắt, hấp dẫn với phần thịt nướng mềm, bì giòn, dưa rau muống, cà chua, dưa leo tươi. Thay vì dùng mỡ hành như ngoài quán thì gia chủ dùng mỡ tỏi phi vàng thay thế. "Mình làm cơm tấm vào những ngày đầu thành phố giãn cách xã hội, lúc đó trứng với rau hút hàng khó mua nên món ăn thiếu chả, thiếu hành", Facebooker Phương Trần chia sẻ. Ảnh: Phương Trần
Món bánh xèo của Facebooker Đinh Võ Nam Hiếu đăng trên hội nhóm Yêu Du Lịch - Thích Ăn Ngon. Anh nhờ bạn gửi bột bánh xèo, thịt heo, củ sắn, cà rốt từ Rạch Giá, Kiên Giang vào Sài Gòn, còn rau thơm, xà lách gửi từ Huế vào. "Thèm bánh xèo mùa dịch nên công đoạn chuẩn bị nguyên liệu hơi phức tạp nhưng được thưởng thức món ăn cũng rất vui", chủ nhân món ăn bày tỏ. Ảnh: Đinh Võ Nam Hiếu
Vẹm nướng mỡ hành là món ăn quen thuộc ở các tỉnh thành miền Tây Nam Bộ. Vẹm sống ngoài thiên nhiên ở dưới đáy sông, kênh rạch cạn, đất cát, có thịt tươi ngọt, làm nhiều món ăn như xào hành, xào hẹ, luộc chấm muối tiêu chanh... Vẹm nướng mỡ hành có vị ngọt của thịt vẹm, béo của đậu phộng, thơm phức của mỡ hành và vị chua, mằn mặn đậm đà của mắm me. Ảnh: Kha Huynh
Cây bần mọc nhiều ven kênh rạch miền Tây, trong các món ăn ngon làm từ bần có thể kể đến món gỏi bông bần ăn chan chát nhưng lại kích thích vị giác. Bông bần lựa những nụ mới nở hay còn búp hái đem rửa sạch, gỡ nhẹ phần cánh bông để riêng. Món gỏi ngon thêm mớ tép bạc tái chín, miếng ba rọi luộc chín cắt mỏng còn bóng mỡ, đậu phộng rang vàng tách đôi, rau thơm, nước mắm chua ngọt, ớt cay trộn cùng nhau. Ảnh: Trần Như Đến
Chè trôi nước làm bằng bột nếp trắng, bên trong có nhân đậu xanh, nước đường ngọt thanh rất nổi tiếng ở miền Nam, gần giống với bánh trôi của người miền Bắc. Món chè ăn nóng, có vị thơm, cay nhẹ của gừng rất ấm bụng, thêm vị bùi của nhân đậu xanh bọc ngoài là lớp vỏ mềm mịn của bột nếp. Ảnh: Huỳnh Trai
Bánh thuẫn là món bánh đặc sản ở Quảng Ngãi, được ưa chuộng vào ngày rằm, Tết... Chiếc bánh thơm mềm được nướng trên khuôn chùm, nguyên liệu gồm bột mì, trứng, sữa, gừng đánh đều. Bánh nóng hổi, có vị béo, bùi, thơm ngậy được nhiều người yêu thích và có thể tự làm tại nhà ăn chơi mùa dịch. Ảnh: Lý Thị Trang
Bánh sắn là đặc sản của Phú Thọ, nay được phổ biến ở nhiều tỉnh thành phía Bắc. Món bánh làm từ nhân thịt băm, hành khô, mộc nhĩ ướp gia vị trộn đều, vỏ ngoài là bột sắn nắn thành hình tròn. Bánh hấp chín ăn ngon khi còn nóng, dẻo dai, bùi bùi, kèm theo cảm giác béo ngậy thơm từ nhân hành thịt băm. Ảnh: Hoa Hana
Huỳnh Nhi (VnExpress)